Devadatta

Đối với nhiều Phật tử thì cái tên Devadatta rất quen thuộc, trong cái nghĩa Devadatta là kẻ  chống đối và mưu hại đức Phât, một nhân vật phản diện tuyệt đối, giống như Judas với Jesus Christ vậy.  Jesus Christ chết vì sự phản bội của Judas,  nhưng không ai có thể mưu hại một vị Phật, vì các ngài có Long Thần, Hộ pháp bảo vệ. Kẻ nào lập tâm mưu hại các bậc giác ngộ A la hán là phạm tội ngũ nghịch, sẽ bị rơi vào địa ngục A Tì vĩnh viễn.

Truyền thuyết mô tả Devadatta xấu ác, Devadatta như là hoá thân của Ma vương quỉ sứ .  Thật sự Devadatta là người như thế nào, vì lí do nào muốn loại bỏ đức Phật,  việc gì có thể đã xảy ra thật, thì cần xem xét kĩ lưỡng khách quan hơn. 

Devadatta cũng thuộc hoàng tộc, ông ta chính là anh trai tôn giả Ànanda, môn đệ thị giả trung thành của đức Phật, tức là anh em con chú con bác với Ngài.  Thuở niên thiếu hai người vẫn giao thiệp với nhau, và đôi khi cũng có mâu thuẫn bất hoà, có lẽ bởi vì Devadatta có tính tự kiêu và đố kị.  Tuy nhiên, sau khi đức Phật đắc đạo Ngài về lại thành Kapilavatthu giảng pháp và nhiều vị hoàng tử bỏ cuộc sống vương giả để theo Ngài đi tu, như các hoàng tử Anurudha, Nanda, Yasa.  Devadatta cũng xuất gia theo Phật,  trở thành tì kheo trong tăng đoàn.   

Devadatta vốn thông minh, và nỗ lực tu tập.  Chính tôn giả Sariputta Xá lợi Phất đã có lần khen ngợi đại đức Devadatta với các Phật tử thành phố Rajargaha. Ông ta chứng đắc thần thông rất cao, thí dụ như có khả năng biến hoá đảo lộn cả tứ đại.  Tuy nhiên Đức Phật không cho phép mô đệ thi triển thần thông để truyền đạo dù họ có khả năng, mà chỉ khai thị sự thật cho người nghe hiểu đạo rồi tu tập.  Ngài không muốn môn đệ của Ngài thu phục tín đồ bằng những màn trình diễn thần thông mà phải bằng chính chân lí của giáo pháp.  

Tì kheo Devadatta giữ giới khổ hạnh rất nghiêm túc.  Nhiều tì kheo trong tăng đoàn kính phục ông bởi khả năng thần thông và nghiêm trì giới luật.  Vì thế Devadatta sinh ra tự mãn cao độ.  Ông ta đề nghị đức Phật phải buộc các tì kheo giữ giới nghiêm nhặt hơn nữa, thí dụ ban đêm phải ngủ ngoài trời dưới gốc cây, hoặc chỉ sống nhờ thức ăn khất thực,  không được nhận cúng dường y áo, thức ăn.  Đại khái Devadatta muốn toàn thể tăng đoàn phải theo hạnh đầu đà.  Đức Phật có những môn đệ chuyên tu hạnh đầu đà như Kasappa ( Ca Diếp), nhưng đó là do các Ngài tự nguyện.  Đức Phật không chấp thuận đề nghị của Devadatta sửa đổi những giới luật tì kheo ngài đã ban hành, bởi vì Ngài biết con đường trung đạo mới là con đường hiệu quả giúp đi đến giác ngộ.  

Devadatta còn đề nghị Phật trao quyền lãnh đạo tăng đoàn cho mình, nhưng đức Phật từ chối.

***********************

Sau khi Ajatasattu (A Xà Thế) giết vua cha Bimbasara để đoạt ngôi vua vương quốc Magadha, thì Devadatta trở nên thân thiết với vị vua này.   Devadatta cho rằng đức Phật đã nghiêng về phía lợi dưỡng cho chính Ngài và các tì kheo, với lối sống chiều theo vật dục do đó không còn xứng đáng lãnh đạo tăng đoàn và là chỗ dựa tinh thần của quần chúng nữa.  Tăng đoàn và quần chúng phải có một vị lãnh đạo mới. Devadatta tự tin nếu có ông ta lãnh đạo thì tăng đoàn sẽ xuất sắc hơn, đạo pháp sẽ có nhiều người theo hơn. Nếu Devadatta  dựa vào Ajatasattu thì thuyết phục được nhiều tì kheo theo mình, sẽ có tăng đoàn riêng không cần theo Phật nữa.  

 Ajatasattu thì muốn cai trị đất nước và bành trướng lãnh thỗ bằng cả quân lực lẫn chính trị.  Giáo pháp Gotama lúc bấy giờ được dân chúng các quốc gia trong vùng lưu vực sông Hằng tin theo đông đảo, cơ hồ ngang với Bà la môn giáo.   Nếu Ajatasattu vừa dùng quân lực mở rộng lãnh thổ, đồng thời dưới tay có sự hợp tác của một vị lãnh đạo tôn giáo mà đa số dân chúng tin theo, thì mục đích của cả hai bên sẽ đạt được.  

Devadatta vận động thuyết phục các vị đồng tu để tách ra thành lập một tăng đoàn riêng của mình .  Không rõ có bao nhiêu tì kheo li khai với tăng đoàn của đức Phật để đi theo Devadatta.  Kinh sách ghi lại là có 500 người, nhưng đây chỉ là con số ước lệ để chỉ số nhiều; thí dụ trong kinh thường nói:  500 kiếp sống, 500 người, 500 cỗ xe…

Tăng đoàn li khai do Devadatta đứng đầu quả thật được vua Ajatasattu ủng hộ rất tốt.  Họ được cung cấp những nơi chốn làm chỗ sinh hoạt riêng, vua và triều đình thường lui tới nghe giảng dạy. Nhưng Devadatta không có được ảnh hưởng lớn trong quần chúng như đức Phật, ông ta vẫn không được tin là một bậc giác ngộ như Ngài.   Điều đó làm Devadatta cảm thấy phải loại bỏ đức Phật thì mới có thể trở thành người lãnh đạo chính thức .   Kinh sách ghi lại nhiều truyện với đầy đủ chi tiết.  Devadatta cùng với Ajatasattu đã mưu hại Phật bằng cách lần lượt gửi nhiều sát thủ tới giết Ngài , hoặc sắp đặt cho một con voi điên say thuốc xông ra tấn công Ngài, hoặc lăn một tảng đá xuống khi Ngài đang đi trong hẻm núi, hoặc tẩm thuốc độc vào móng tay khi đến gặp Ngài, rồi lén châm móng tay vào chân đức Phật.  Các mưu toan này đều thất bại.

 Sự thật Devadatta đã làm gì để mưu toan giết Phật  thì cũng khó mà phân biệt truyền thuyết với sự thật.   Nhưng có lẽ ông dùng cách tuyên truyền vận động để lôi kéo người về phía mình nhiều hơn là hành động cụ thể.  

Có một điều ít được nhận ra là những âm mưu hại đức Phật nếu có, thì phải hết sức bí mật, vì đức Phật có tăng đoàn đông đảo và tín đồ còn đông hơn, trong số đó có nhiều tiểu vương, tướng lãnh, quan chức, thương nhân giàu có, là những nhân vật quan trọng có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Không thể nào mưu hại Phật mà tránh được phản ứng từ thành phần tín đồ này.  Do đó những âm mưu thô sơ vụng về như thả voi, lăn đá …. khó mà thực hiện trót lọt được ! 

Đối với sự chống đối và li khai của tì kheo Devadatta, đức Phật không có phản ứng gì cả.  Khi biết  rằng Devadatta đã dẫn một số đông tì kheo bỏ đi, Ngài chỉ tuyên bố cho mọi người rõ, từ nay  Devadatta không thuộc về tăng đoàn của Ngài nữa.  Các môn đệ thuật lại  Devadatta nay lập ra tăng đoàn riêng, mà còn được vua Ajatasattu hỗ trợ,  Đức Phật nói, cứ để mặc họ làm theo ý họ.  Ngài là bậc Lokavidù, Thế Gian Giải, Ngài biết rõ pháp thế gian vận hành như thế nào, và duyên nghiệp của từng chúng sinh ra sao !

Lâu dần về sau, các tì kheo đi theo Devadatta thấy ra sự lầm lẫn của họ.  Một số lớn trở về tu học với đức Phật như cũ.  Devadatta không bao giờ trở thành giáo chủ một tôn giáo lớn trong vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà) được chính quyền công nhận ủng hộ và nhân dân tin theo như ông kì vọng. Không lâu sau đó, Devadatta qua đời.  

Truyền thuyết kể lại,  Devadatta hối hận, tìm về sám hối với đức Phật lần cuối, được Ngài tha thứ, nhưng do tội lỗi tạo ra quá nặng, vừa ra khỏi tịnh xá Jettavana thì mặt đất nứt ra, hút Devadatta xuống địa ngục và ông ta vẫn còn ở dưới đó cho tới bây giờ !  Nhưng truyền thuyết là để dành  cho quần chúng bình dân dễ tin, dễ yêu ghét.   Có những nhận định khác,  hợp lí và khách quan hơn.  

 Như bất cứ nhân vật có nhiều ảnh hưởng nào khác, Đức Phật cũng có những người không đồng ý với Ngài về điều này điều kia, và thậm chí còn thấy Ngài là sai lầm.  Suốt đời hoằng pháp của ngài, luôn có những tu sĩ ngoại đạo, những  luận gia chỉ trích và tranh luận trực tiếp với đức Phật.  Nhiều người trong số đó thay đổi quan niệm trở nên tin tưởng vào giáo pháp Gotama, nhưng có người vẫn không hiểu, không tiếp nhận được giáo pháp của Ngài.   Ngay trong tăng đoàn cũng có những tì kheo cứng đầu.   Khi đức Phật nhập diệt, đa số môn đệ vẫn giữ sự bình thản bởi đã ngộ được lẽ vô thường, nhưng cũng có một số rất buồn khổ xúc động thốt lên than khóc.  Có một ông tì kheo thấy vậy mới bước ra hô hào công khai , tại sao lại buồn như vậy mà hãy vui mừng lên, bây giờ đức Phật không còn nữa, mình được tự do rồi, không còn ai bảo mình phải làm cái này, không nên làm cái kia !  

Devadatta cũng là một người tu không đồng ý với Ngài và ông ta tìm cách để chỉ huy tăng đoàn cho tốt hơn theo ý ông ta. 

Devadatta  có bản tính hiếu thắng, tự kiêu, và  nhiều tham vọng.   Nhưng ông ta cũng là người khá thông minh.  Đi tu theo Phật nhưng bản tính vẫn không thay đổi, do đó mới đi đến chỗ cấu kết với vua Ajatasattu nhằm loại bỏ đức Phật.   Riêng về ông vua này thì sau  khi Devadatta qua đời rồi, ông ta lại tin theo Phật, được thấm nhuần lời dạy của đức Phật trong việc trị  nước.  Dưới thời Ajatasattu, vương quốc Magadha trở thành hùng mạnh nhất trong cả vùng lưu vực sông Hằng.   Cuối đời, vua Ajatasattu bị con trai giết để đoạt ngôi, như chính vua đã làm với cha mình trước đây vậy. 

Kinh Pháp Hoa nói có người thưa hỏi đức Phật về số phận của Devadatta.  Ngài cho biết, sau một thời gian, Devadatta sẽ ra khỏi địa ngục được trở lại cõi người.  Ông ta  tiếp tục tu hành , rồi trở thành một vị Phật Độc Giác.  Phật Độc Giác nghĩa là một bậc A la hán đã giác ngộ giải thoát hoàn toàn, nhưng không dạy cho người khác được.   Còn các vị Phật Toàn Giác như đức Phật Gotama thì có thể tuyên thuyết chánh pháp giúp chúng sinh giác ngộ.

Những bộ kinh sáng tác về sau thường thêm thắt vào sự kiện. Những chuyện li kì về Devadatta, ông ta đang còn ở dưới địa ngục hay đã hết hạn, hay thậm chí đắc đạo rồi cũng không quan trọng lắm.   Chỉ có điều đáng nói,  nếu quả thật có địa ngục, thì địa ngục cũng vô thường !

(Tác giả: Đoàn Phương Mai – đạo tràng Chùa Phổ Giác)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *