BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG BÀI THƠ THUỞ THIẾU THỜI

Ngày xưa, lúc còn học trung học ở SG, học trò nữ chúng tôi hay chuyền tay nhau những bài thơ “lãng mạn” mà chương trình học môn Văn lớp 10 lúc bấy giờ gọi là “ủy mị.” Có những bài thơ có tên tác giả, như Chế Lan Viên, (“Những Sợi Tơ Lòng”… Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh…), Vũ Thị Gio Linh (“Thưa Thầy con đi,” Thôi thưa thầy con đi/Năm cuối cùng đã hết…), TTKH “Hai sắc hoa ti gôn” Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn/Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn… Cũng có những bài, những đoạn thơ không rõ tác giả, chỉ thấy để là “Vô Danh.” Một trong số các tác phẩm “Vô Danh” ấy là đoạn thơ sau:

“Sóng reo trên bãi, gió ru trong hồn

Ầm ì biển hát, vỗ về nỗi buồn

Ừ thôi ta về… quên loài  chim biển,

Ừ thôi ta về… quên dấu chân hoang”

Lúc thuở non dại ấy, đoạn thơ đã được cắm cúi say sưa chép lại… và nhớ mãi. Hồn non trí dại nào biết để tâm suy nghĩ, phân tích sâu xa, mà chỉ tự nhiên cảm, tự nhiên thấm. Cảm cái đẹp của sự cô đơn mà trải rộng bao la của sóng và gió. Và thấm nỗi buồn không tên, không nguồn cội, không bến bờ của người thơ. Cảm cái uy mãnh của việc quên đi, thấm nỗi thong dong của quyết định quay về…

Thật lâu, thật nhiều năm sau…

Những lần đầu tiên lui tới một ngôi chùa “của mình,” luôn có nỗi xúc động khiến phải ứa nước mắt mỗi khi cùng nghe, cùng cất lên lời kinh bát nhã ba la mật, “là linh chú đại thần, là linh chú đại minh…” Sự xúc động có lẽ do từ một ký ức xa xưa được đánh thức, khi được bà nội cho thay áo sạch, theo bà lên chùa. TIếng chuông chùa thanh thoát du dương, hòa quyện cùng mùi nhang trầm… và mùi món canh kiểm ưa thích…

Hôm nay, khi được học về bát chánh đạo, bỗng dưng đoạn thơ thuở nào lại vang lên trong trí…

Bát chánh đạo được đặc trưng bởi tám nan hoa trong chiếc bánh xe Phật pháp, cùng xoay mãi, nhắc nhớ người người cùng sống và thực hành giáo lý Phật dạy, sống đời an lạc, tốt mình-đẹp người.

Bát chánh đạo là tám điều căn bản, là tám nội dung kim chỉ nam mà Đức Phật đã cảm thọ được và có tâm nguyện phải truyền bá chúng rộng rãi, giúp đưa đường dẫn lối cho chúng sanh sống đời giải thoát, tránh được những mưu toan, quyến luyến, sầu khổ, oán hờn… của biết bao tham-sân-si trong cuộc đời.

Tám điều đó là: Chánh kiến (nhìn thấu lý lẽ và sự việc)- Chánh tư duy (suy nghĩ thẳng thắn, trung thực)- Chánh ngữ (nói lời ngay thật, cần thiết) – Chánh tinh tấn (luôn chuyên cần trau dồi thực hành tính cách trung thực và tâm hạnh từ bi) – Chánh niệm (tập trung năng lượng và sự chú ý vào từng sự việc) – Chánh định (luôn xác định điều ngay lẽ thật, lẽ chân chánh).

Ơ, trí hiểu và trí nhớ mới kể ra được có sáu. Còn hai điều nữa là gì nhỉ? Nào, bác Gú gồ ơi…

Này đây: hai điều còn thiếu ấy lại chính là hai điều kế tiếp nhau, thứ tư và thứ năm: Chánh nghiệp và Chánh mạng. Chánh nghiệp là chọn làm điều tốt, điều thiện, để không gây nên nghiệp báo về sau; trong khi chánh mạng là chọn làm công việc (nghề nghiệp) không gây tổn hại tới sinh mạng muôn loài.

Như vậy, để liệt kê bát chánh đạo một cách xuyên suốt thì có thể hiểu là, Khi có chánh kiến (thực tập để biết nhìn sự việc theo đúng như nó vốn là), thì đầu óc suy nghĩ sẽ thẳng thắn, sáng suốt (chánh tư duy). Suy nghĩ sáng suốt, thẳng thắn giúp có được lời ngay lẽ thật (chánh ngữ). Phong cách sống với lời ngay lẽ thật sẽ khiến nghiệp phước nảy sinh và lan tỏa (chánh nghiệp), mọi hành động việc làm đều được thực hiện với sự lưu tâm tới việc sinh tồn cùa muôn loài, muôn người xung quanh (chánh mạng). Những điều này khi luôn được thực hành chuyên chú, cần mẫn (chánh tinh tấn) sẽ cho hành giả có được sự tập trung tuyệt đối và luôn có nhận biết về mọi điều, mọi việc (chánh niệm), nhờ đó tâm thân có được trạng thái an lạc bền vững (chánh định).

Trạng thái chánh định tới lượt nó sẽ giúp hành giả luôn có được chánh kiến, có khả năng nhìn nhận sự việc đúng đắn, suy nghĩ thấu đáo, nói lời ngay thật, tạo nên nghiệp phước an lành, góp công “đương nguyện chúng sanh”,… và cứ thế bánh xe Phật pháp tiếp tục lăn, tâm bồ đề với nếp sống đơn giản chánh trì tiếp tục sinh sôi.

Tám chiếc nan hoa – tám điều chỉ dắt của bát chánh đạo có quan hệ luân chuyển trước-sau như thế, nhưng dường như chúng không xác định điểm khởi đầu và kết thúc. Một người có nghiệp “tu phước” thoạt đầu có thể chưa có chánh kiến, và do đó chưa thể có chánh tư duy. Nhưng bản tánh Phật tự có, khi được nuôi dưỡng trong môi trường thích hợp, có thể khiến người đó có tính cách chân thành, ưa nói lời chánh ngữ. Lòng nhân ái tự nhiên giúp người đó thường tránh làm điều dữ, bản năng hướng thiện ưa làm việc lành sẽ giúp chánh nghiệp tác thành, chánh mạng từ đó luân khởi. Ở một chừng mực nào đó, chánh niệm dần được thực hành như một lẽ tự nhiên, khi lòng người trong trẻo, không nhiều vướng bận, dính mắc.

Ca dao tục ngữ, cùng dòng văn học dân gian truyền khẩu Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành và phát triển những hạt nhân “tu phước.” Trong đời sống hàng ngày, nếu chịu khó lắng nghe và quan sát, ta có thể thấy quanh mình biết bao người dân Việt ít học nhưng chân chất lòng từ, luôn sống và làm việc với tâm thân hồn nhiên an lạc. Rồi tới lượt chúng, những hạt nhân “tu phước” sẽ nảy quả tác thành “tu huệ,” cho những kiếp người bớt đi những nỗi trầm luân, khi chánh kiến giúp gia cố cho đức hạnh “Trì tụng chân kinh, tập nhìn sâu để hiểu/Thực hành chánh niệm, nguyện thấy rõ mà thương” (HT Thích Từ Lực).

Thế thì hôm nay, bài học về bát chánh đạo giúp gì được khi đương không những đoạn thơ cũ thuở nào lại quay về?

Trước hết hãy thử quan sát sự vật với chánh kiến, rồi suy nghĩ, luận bàn về chúng với chánh tư duy.

Sóng là do nước biển chuyển động mà nên. Gió là do không khí chuyển động mà thành. Sự chuyển động mang trong bản chất nó tính vô thường – không hề bất biến và không ngừng thay đổi. Gió – sự chuyển động của không khí – khiến nước chuyển động, tạo nên sóng. Những cơn sóng cuộn vỗ bờ cũng khiến không khí chuyển động, tạo nên gió. Cho nên ta có thể nói, trong sóng có gió, và trong gió có sóng. Sóng và gió do vậy có quan hệ tương tác. Một mối quan hệ vô thủy vô chung, không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc.

Người thơ chợt nhận ra một tình thương và lòng từ bao la, khi các con sóng được nhìn nhận như là một phương tiện được gửi tới… cho mình. Tiếng sóng ầm ì bất tận mà đã có lúc được nghe như là lời gầm gừ đe dọa, hoặc lời than khóc uất thương nay đã được nghe như lời “ầm ì biển hát”, dịu dàng êm ái “vỗ về nỗi buồn.” Được đón nhận tình thương và lòng từ, trong lòng người thơ sẽ khởi phát điều gì nếu không phải là lòng từ và tình thương? Với lòng từ và tình thương, người thơ như được trở về với chính mình, yêu thương chính mình, yêu thương cả nỗi buồn mình đang mang. Nỗi buồn ấy là do ai, hay vì cái gì; hay liệu nó có nhất thiết phải do ai, hay do cái gì hay không; dường như đã không còn quan trọng nữa. Người thơ đang dành trọn tâm trí mình cho sóng và gió, cùng nhìn kỹ và lắng nghe, cùng trọn vẹn thấu hiểu sự tồn tại của nhau ở thời khắc này và nơi chốn này.

Gió tung sóng vẫy chào cánh chim biển vô thường. Những cánh chim biển năm xưa vốn chỉ biết than khóc, “đất trời rộng sao em không bến đỗ?” (NS Đức Huy)

Sóng tung bờ xóa nhòa dấu chân hoang. Những dấu chân trong nhiều năm vật vã kiếm tìm, “địa đàng còn in dấu chân… bước quên” (NS Trịnh Công Sơn).

“Sóng reo trên bãi, gió ru trong hồn

Ầm ì biển hát, vỗ về nỗi buồn

Ừ thôi ta về… quên loài  chim biển,

Ừ thôi ta về… quên dấu chân hoang”

Người thơ nay đã trở về được với chính mình, an trú vững chãi trong việc sống và thực hành Phật pháp, để hạt bồ đề mãi được nảy nở sinh sôi.

-Quảng Hà, ngày 05 tháng 12, năm 2022

(Bài gửi đăng Đặc San Trường Cao Đẳng Phật Giáo Thực Dụng- San Jose, Hoa Kỳ)